Dễ bầm tím
Tiến sĩ Gary Goldenberg của Bệnh viện Mount Sinai nói rằng ăn ít rau sẽ dẫn đến thiếu hụt vitamin C, gây bầm tím nhiều hơn bình thường vì thiếu vitamin C giúp chữa bệnh và sản xuất collagen. Nếu không có nó, mạch máu dễ bị tổn thương hơn, cơ thể dễ bầm tím hơn. Trái cây họ cam quýt, cải xoăn, ớt chuông, bông cải xanh và súp lơ là nguồn vitamin C tốt.
Táo bón
Không ăn đủ rau quả có thể gây ra táo bón vì hầu hết rau đều là nguồn chất xơ tốt, giúp chuyển động ruột thường xuyên. Atisô, bơ, bông cải xanh và cải bruxen là những loại rau nhiều chất xơ. Thêm chúng nhiều hơn vào chế độ ăn uống và hạn chế ăn thực phẩm chế biến để làm giảm táo bón.
Bạn luôn đói
Chất xơ có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, hạn chế ăn vặt. Chuyên gia dinh dưỡng Frances Largeman-Roth đã nói rằng nếu bạn cảm thấy đói một hoặc hai giờ sau khi ăn, có thể là do bạn không có đủ chất xơ trong bữa ăn trước đó. Ngoài ra, chất xơ hòa tan cũng giúp giảm cholesterol và ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Tăng cân
Cân nặng tăng không kiểm soát có thể do chế độ ăn uống nhiều thịt ít rau. Hầu hết rau có hàm lượng chất xơ cao, lượng calo thấp nên giúp cơ thể no lâu và hạn chế cơn thèm ăn. Người muốn giảm cân cần tăng cường ăn rau xanh, bởi nó không tăng lượng calo trong khi vẫn giữ được sức khỏe.
Lúc nhớ lúc quên
Nếu bạn cảm thấy trí nhớ của mình gần đây có vấn đề thì hãy xem lại chế độ ăn, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng. Lutein là chất dinh dưỡng giúp tăng cường trí nhớ và có nhiều trong cà rốt, rau lá xanh, bông cải xanh, ngô và cà chua.
Bệnh tim mạch
Nếu bạn mắc các vấn đề về tim mà không phải do tiền sử gia đình thì nguyên nhân có thể là không ăn đủ rau. Với những người mắc bệnh tim mạch, rau quả đóng vai trò quan trọng, nó giúp hòa tan cholesterol, giảm lắng đọng cholesterol trong thành mạch, ngăn ngừa các bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực.