Hoài niệm tết xưa
Tết đối với người Việt đã trở thành ngày sum họp, đoàn tụ, là khởi đầu của nhiều điều mới. Tết truyền thống xưa trong tâm trí của nhiều người là rộn ràng tiếng cười, tiếng chày giã đậu, tiếng gõ khuôn bánh hay bập bùng ánh lửa suốt đêm nấu bánh tét, bánh chưng. Nồi thịt giữa sân mẹ đang xíu, bà lại cặm cụi làm dưa muối ăn kèm, thịt đông, giò thủ,…biết bao nhiêu món Tết truyền thống ngon thơm đều mẹ tự tay chuẩn bị. Giữa cái se lạnh đầu xuân, người người nhà nhà rộn rã tiếng cười bên mâm cỗ đêm 30. Đâu đó xa xa vọng lại tiếng pháo hoa được đốt lốp bốp nổ, lóe vài tia sáng đỏ mừng Tết về.
Trẻ em mong chờ Tết để mặc áo mới, để ăn cho thỏa thích bánh kẹo hằng mong, để nhận bì lì xì đỏ tươi mà cười tít mắt. Cha mẹ, ông bà mong chờ Tết về để gặp lại đứa con, cháu xa quê về đoàn tụ. Trò chơi ngày Tết lại càng đáng để kể, lòng người háo hức chờ Tết về một phần cũng vì thế. Đó cũng là những dấu ấn khó quên mà người sống ở thế kỉ 19 mới có thể trải nghiệm.
Tết nay thật buồn
Ngày nay lắm người khi Tết về lại nhắc Tết xưa, nhất là những người đã sống ở thế kỉ trước. Họ nhớ da diết thứ không khí ấm áp, thân tình, ngập tràn hạnh phúc, tiếng cười mà Tết nay đã nhạt nhòa đi mất. Xuân đến Tết lại về trên khắp muôn nẻo quê hương nhưng người thành thị không còn có thể đón cái tết như năm ấy. Bánh kẹo chất đầy vì vậy mà trẻ con không còn háo hức chờ Tết về ăn cho thỏa những món ngon. Thức ngon hàng ngày, có lẽ vì vậy mà mấy ai còn mặn mà với thịt mắm, bánh chưng. Mọi thứ đều có thể mua, có lẽ vậy mà không còn nhiều nhà giăng đèn sáng đêm gói bánh.
Người ta nói Tết nay thật buồn. Vốn dĩ mọi thứ đều phải thay đổi, đến cả những người năm ấy cũng đã đổi thay khác rồi. Tục đón Tết cũng thế, thời nay không giống ngày xưa cũng là điều dễ hiểu. Tự an ủi vậy nhưng mỗi khi nghe câu hát rộn ràng “Xuân, Xuân ơi, Xuân đã về”, lòng vẫn thấy nao nao với những hoài niệm Tết xưa…