Cuộc sống bận rộn, công việc, gia đình,…khiến con người quên mất hệ tiêu hóa cũng cần được chăm sóc để luôn khỏe mạnh. Cùng Mùa gió heo may tham khảo 7 lời khuyên từ chuyên gia để giúp hệ tiêu hóa của bạn luôn khỏe mạnh và phòng chống các nguy cơ bệnh tật trong tương lai.
Hệ tiêu hóa được xem là cơ quan quan trọng thứ 2 của cơ thể sau não bộ, đóng vai trò lớn trong quá trình tiêu hóa – hấp thu – cung cấp dinh dưỡng nuôi sống cơ thể. Một khi hệ tiêu hóa không khỏe mạnh có thể dẫn đến kém hấp thu nước, điện giải, các chất dinh dưỡng, các muối mật, sinh tố, các yếu tố vi lượng… từ đó thiếu hụt vitamin, protein, khoáng chất, carbohydrate và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sự phát triển và sự điều hòa của cơ thể.
Vậy làm thế nào để bảo vệ và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa?
Dưới đây là 7 lời khuyên bổ ích, dễ dàng thực hiện từ chuyên gia mà bạn có thể làm được:
Dinh dưỡng đúng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, thông qua cung cấp năng lượng, các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng; từ đó giúp tăng cường chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Uống đủ nước sạch mỗi ngày
Chiếm 70-80% trọng lượng cơ thể, nước đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đi nuôi từng tế bào, giúp cơ thể hoạt động tốt nhất. Đối với hệ tiêu hóa, nước là chất xúc tác quan trọng giúp hòa tan các vitamin, khoáng chất,…từ thức ăn, đồng thời cũng chống táo bón và làm tăng nhu động ruột. Cung cấp đầy đủ nước chính là cách đơn giản và hiệu quả để chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Cung cấp đủ chất xơ
Là nhóm chất quan trọng cho sự hoạt động bình thường của cơ thể, chỉ nằm thịt, cá, tinh bột, chất xơ chứng tỏ giá trị của mình trên mọi mặt trận chăm sóc sức khỏe. Đối với hệ tiêu hóa, chất xơ cùng với nước giúp điều hòa nhu động ruột, hạn chế táo bón hoặc tiêu chảy, duy trì sức khỏe của đường ruột, giảm nguy cơ bệnh trĩ, táo bón, ung thư đại trực tràng, các bệnh về đường ruột,…
Lựa chọn đúng thực phẩm chứa chất xơ có lợi là cách bạn bảo vệ và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa của mình.
Có thể bạn chưa biết, chất xơ được chia làm 2 loại: chất xơ hòa tan và không hòa tan. Mỗi loại có công dụng khác nhau, bạn cần biết để lựa chọn và sử dụng chúng đúng mục đích.
- Chất xơ hòa tan: giúp giảm lượng cholesterol và glucose trong máu, giữ chất lỏng trong đường tiêu hóa, giúp phân mềm. Dạng chất xơ này thường có trong các loại thực phẩm như: yến mạch, đậu hà lan, đậu, táo, trái cây họ cam quýt, cà rốt, lúa mạch…
- Chất xơ không hòa tan giúp giảm táo bón, thường có trong bột mì nguyên cám, các loại hạt, đậu và rau, như súp lơ, đậu xanh và khoai tây,…
Ăn đủ và cân đối về chất béo
Chất béo không hề xấu nếu bạn biết lựa chọn và cung cấp cho cơ thể một cách hợp lý và vừa đủ. Trên thực tế, cơ thể vẫn cần chất béo để cung cấp và dự trữ năng lượng cho cơ thể hoạt động, chất béo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể hấp thu các vitamin chỉ có thể hòa tan trong chất béo như vitamin A, D, K, E
Chất béo gồm chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa. Lựa chọn những thực phẩm chứa chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa) tốt cho sức khoẻ như: cá, các loại hạt, dầu thực vật,..
Đảm bảo cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể
Là nhóm chất không thể thiếu cho cơ thể như nước, chất xơ hay tinh bột, cơ thể cần một lượng chất đạm cố định mỗi ngày để hoạt động trơn tru (sửa chữa và xây dựng các mô, cơ quan, giúp các phản ứng trao đổi chất và điều phối các chức năng của cơ thể, hình thành cấu trúc cho cơ thể, cung cấp năng lượng cho cơ thể,…)
Protein và các acid amin là sản phẩm chuyển hoá của protein khi vào cơ thể, có tác động cấu trúc và hoạt động của hệ vi sinh vật đường ruột, giúp cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột và khả năng miễn dịch niêm mạc, do đó có lợi cho đường ruột cũng như sức khỏe nói chung.
Ăn đủ nhóm tinh bột, ngũ cốc nguyên hạt (carbohydrate)
Chức năng chính của carbohydrate trong cơ thể là cung cấp năng lượng; dự trữ năng lượng dưới dạng glycogen, với phần lớn trong cơ và gan, duy trì lượng đường huyết ổn định giữa các bữa ăn và trong ngày; tạo ra các phân tử quan trọng như ARN, ADN, ATP…; khi đủ glucose trong cơ thể sẽ ngăn chặn sự phân hủy protein để tạo năng lượng cho cơ thể và hỗ trợ chuyển hóa bình thường của chất béo; ngoài ra, carbohydrate còn là nguồn cung cấp chất xơ cho cơ thể.
Carbohydrate trong chế độ ăn phần lớn được phân loại là dễ tiêu hóa và không tiêu hóa được. Carbohydrate tiêu hóa được như ngũ cốc và các loại củ được phân giải bởi các enzym tiêu hóa tạo ra năng lượng. Các loại carbohydrate không tiêu hoá được là thức ăn của các loại vi sinh vật đường ruột, bởi vậy chế độ ăn low-carb và no-carb, hoặc chế độ ăn chứa nhiều đường đơn, đường đôi, và tiêu thụ các loại carbohydrate tinh chế cũng có thể phá vỡ sự cân bằng của các vi sinh vật trong đường tiêu hóa do các vi sinh vật bị bỏ đói.
Vẫn là những nhóm thực phẩm cơ bản, thường gặp mỗi ngày, dẫu vậy trong mỗi nhóm thực phẩm cần thiết ấy, người nội trợ cần tinh tế, hiểu biết để lựa chọn ra các loại thực phẩm lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.